Sơ bộ KQKD quý 2/2021: Nhóm ngân hàng, thép, xăng dầu đồng loạt tăng trưởng dương, lợi nhuận doanh nghiệp đầu ngành TCB, HPG, PLX… thậm chí tăng bằng lần

SSI Research vừa công bố báo cáo về ước tính KQKD Quý 2/2021 của 33 công ty dẫn đầu trong các ngành. Trong đó, có 27 công ty dự kiến có tăng trưởng lợi nhuận dương trong quý 2 và 6 công ty có dự kiến có lợi nhuận sụt giảm.

Các công ty có kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận dương bao gồm các đơn vị thuộc ngành ngân hàng, bán lẻ, cảng biển, thép và kinh doanh xăng dầu.

Đặc biệt với mảng ngân hàng, hầu hết các doanh nghiệp đều ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ doanh thu và lợi nhuận. Tăng đột biến phải kể đến MaritimeBank (MSB), ước tính LNTT quý 2/2021 đạt 1,65 nghìn tỷ đồng, tăng 141% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021 LNTT đạt 2,8 nghìn tỷ đồng, tăng 187% so với cùng kỳ. Tăng trưởng được thúc đẩy bởi tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ 10,5% so với đầu năm, cũng như NIM được cải thiện do lãi suất huy động thấp và nguồn tiền bổ sung từ phí trả trước của thỏa thuận bancassurance độc quyền được ký kết gần đây với Prudential. Thu nhập quý 2/2021 bao gồm khoảng 500 tỷ đồng phí trả trước bancassurance từ Prudential.

Tăng trưởng bằng lần còn có Techcombank (TCB) với 5,7 nghìn tỷ đồng LNTT trong quý 2/2021, tăng 57,6% so với cùng kỳ, nhờ tăng trưởng tín dụng ~11,9% so với đầu năm. Lãi suất huy động thị trường đã giảm xuống mức thấp kể từ quý 3/2020 và vẫn duy trì ở mức thấp kể từ đó. Tuy nhiên trong môi trường này TCB đã tỏa sáng nhờ những lợi thế đáng kể thông qua lượng CASA phong phú, khả năng cung cấp nguồn vốn chi phí thấp và đẩy mạnh cung cấp các sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp cho các nhà đầu tư đại chúng, giúp cải thiện NIM và thu nhập từ phí. Lợi nhuận trước thuế quý 2/2021 dự kiến tăng trưởng 58% so với cùng kỳ năm ngoái.

Riêng VPBank (VPB), theo SSI Research sẽ có một bức tranh tương phản giữa kết quả của ngân hàng mẹ và FeCredit trong quý này. Ngân hàng mẹ có thể đạt LNTT cao từ 3,5 đến 4 nghìn tỷ đồng (tăng 66 – 90% so với cùng kỳ). Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế dự kiến sẽ giảm sâu đối với FeCredit do gánh nặng trích lập dự phòng lớn. Trên cơ sở hợp nhất, VPB vẫn có thể đạt LNTT khoảng 4,5 nghìn tỷ đồng (tăng 23% so với cùng kỳ).

Với mảng xăng dầu, doanh thu của Lọc Hoá Dầu Bình Sơn (BSR) trong 6 tháng đầu năm 2021 ước tính tăng đáng kể 56% so với cùng kỳ, đạt 49,5 nghìn tỷ đồng, trong khi lợi nhuận ròng ước tính đạt hơn 3 nghìn tỷ đồng so với mức lỗ 4,26 nghìn tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2020 do giá dầu tăng và chênh lệch giá xăng sản phẩm.

Tương tự, Petrolimex (PLX) cũng dự kiến LNTT quý 2 tăng 65-70% so với cùng kỳ đạt khoảng 1,3 nghìn tỷ đồng nhờ sản lượng tiêu thụ trong nước và giá xăng dầu phục hồi.

Về mảng thép, SSI Research ước tính lợi nhuận sau thuế của HPG đạt mức cao kỷ lục mới là 9,7 nghìn tỷ đồng trong quý 2/2021, tăng 50%. Sản lượng thép thô ước tính tăng 60% so với cùng kỳ, nhờ sự đóng góp của 2 lò cuối của khu liên hợp gang thép Dung Quất. Ngoài ra, việc giá thép xây dựng và giá HRC tăng 50-80% so với cùng kỳ cũng giúp tăng đáng kể lợi nhuận cho công ty.

Hay Hoa Sen (HSG), lợi nhuận sau thuế trong quý 3/2021 (theo niên độ tài chính của HSG, tương đương với quý 2/2021 thông thường) sẽ tăng 390% so với cùng kỳ đạt 1,55 nghìn tỷ đồng. Điều này được thúc đẩy bởi sản lượng tăng mạnh đặc biệt là ở kênh xuất khẩu và giá thép tăng cao.

Báo cáo tại ĐHĐCĐ thường niên mới đây, ban lãnh đạo Gemadept (GMD) cho biết doanh thu 6 tháng đầu năm ước đạt 1.439 tỷ đồng (tăng 19% so với cùng kỳ, hoàn thành 51% kế hoạch năm); LNTT đạt 388 tỷ đồng (tăng 38% so với cùng kỳ, hoàn thành 55% kế hoạch năm), chủ yếu nhờ vào sự phục hồi của khu vực cảng Hải Phòng (tăng 18% so với cùng kỳ về sản lượng), trong khi cảng Gemalink đang tăng trưởng nhanh…

Ngược lại, các công ty có ước tính tăng tưởng lợi nhuận âm bao gồm: AST, DPM, NT2, PHR, PPC, PVS.

Previous post Giá vàng hôm nay 4-4: Tâm lý lạc quan sẽ đẩy giá vàng tăng
Next post Đằng sau cú sụt chưa từng có của GDP Mỹ: Lời nhắc nhở chua cay về tác động của Covid-19