Kịch bản nào cho xử lý nợ xấu hậu COVID -19?

Theo thống kê của Công ty Chứng khoán BOS, nợ xấu của các ngân hàng đầu 2021 tăng nhẹ so với cuối năm 2020. Tổng giá trị nợ xấu của các ngân hàng đang niêm yết đạt 91.244 tỷ đồng vào ngày 31/3/2021, tăng 3.948 tỷ đồng so với cuối năm 2020. Theo các chuyên gia, việc giữ nguyên nhóm nợ làm cho bức tranh nợ xấu chưa phản ánh đúng thực tế. Các ngân hàng không phải trích lập dự phòng, làm giảm chi phí dự phòng, gia tăng lợi nhuận nhưng rủi ro cũng tăng.

Trong bức tranh chung về nợ xấu thì chỉ có 8 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu giảm so với cuối năm 2020. Theo đó, có Kienlongbank đạt mức giảm nợ xấu tới 3,85 điểm phần trăm. Trong khi đó, 17 ngân hàng đều có sự gia tăng tỷ lệ nợ xấu với mức tăng trưởng trung bình từ 0,05% đến 0,1%…

Trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch COVID-19, nhiều cơ quan nghiên cứu, tổ chức quốc tế đều có chung nhận định, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) vẫn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Bên cạnh đó, một số tỉnh, thành phố tập trung các khu công nghiệp lớn đang thực hiện giãn cách xã hội, việc này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo cơ quan Thanh tra giám sát của NHNN, dưới tác động của dịch bệnh COVID-19, tỷ lệ nợ xấu nội bảng có xu hướng tăng trong các tháng đầu năm 2021, tăng từ mức 1,69% (cuối năm 2020) lên 1,78% (vào cuối tháng 4/2021).

Dự báo với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, cuối năm 2021, có khả năng tỷ lệ nợ xấu nội bảng và tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của toàn hệ thống sẽ cao hơn so với mức đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại Tờ trình số 08/TTr-NHNN ngày 24/02/2021.

Như vậy, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống ước tính ở mức 2%-3%; tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của toàn hệ thống ước tính ở mức 4%-4,5%. Trên cơ sở giám sát về nợ xấu và kết quả xử lý nợ xấu của các (TCTD), NHNN đã có tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ về ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến tình hình nợ xấu, xử lý nợ xấu của các TCTD…

Cơ cấu các TCTD gắn với xử lý nợ xấu

Theo số liệu từ NHNN, lũy kế từ thời điểm Nghị quyết 42/2017(NQ 42) bắt đầu có hiệu lực, năm 2020 toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 294 nghìn tỷ đồng nợ xấu theo NQ 42 (chiếm 58%), gấp 4 lần so với giá trị nợ xấu được xử lý trong giai đoạn trước đó từ 2012-2017.Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng là 161 nghìn tỷ đồng, chiếm 54,8%; xử lý các khoản nợ ngoại bảng là 67,3 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 23%. Xử lý các khoản nợ xấu xác định theo NQ 42, đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt khoảng 65,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 22,4%.

Vậy kịch bản nào để xử lý nợ xấu đến cuối năm 2021 và cuối năm 2022 sẽ được NHNN triển khai? Hiện NHNN đang đánh giá tình hình triển khai Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020” (Đề án 1058), Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD và hoàn thiện dự thảo Đề án cơ cấu lại hệ thống TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 để sớm trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2021.

Kịch bản nào cho xử lý nợ xấu hậu COVID -19? - Ảnh 1.

Previous post Bàn luận về vốn hoá và quỹ đất của các doanh nghiệp lớn ngành bất động sản
Next post Lamborghini Aventador độ body độc nhất của đại gia TP. HCM lộ diện với điểm giống 2 siêu phẩm của Hoàng Kim Khánh