Khôi phục thêm cửa khẩu tại Lào Cai, Bộ Công Thương khuyến cáo điều tiết lượng hàng xuất qua Trung Quốc

Ngày 12/1, chính quyền Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đã chính thức khôi phục thông quan nhập khẩu các mặt hàng trái cây tươi (bao gồm thanh long ), hàng đông lạnh tại cửa khẩu Hà Khẩu (phía Việt Nam là cửa khẩu Kim Thành II, Lào Cai).

Đây là kết quả sau nhiều lần đàm phán, trao đổi giữa Bộ Công Thương và địa phương Việt Nam với các cơ quan Trung ương và tỉnh Vân Nam Trung Quốc kể từ tháng 7/2021 đến nay.

Theo Bộ Công Thương, việc tỉnh Vân Nam khôi phục thông quan nhập khẩu trái cây tươi (bao gồm thanh long), hàng đông lạnh qua cửa khẩu này sẽ góp phần giảm áp lực ách tắc hàng hóa tại các khẩu biên giới trên địa bàn Lạng Sơn và Quảng Ninh, nhất là trong bối cảnh chính quyền Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc đang tạm dừng nhập khẩu thanh long qua cửa khẩu Hữu Nghị và Tân Thanh 4 tuần kể từ ngày 29/12/2021.

Trước đó, hoạt động nhập khẩu trái cây tươi từ Việt Nam qua cửa khẩu Lào Cai – Hà Khẩu đã bị tạm dừng từ ngày 18/7/2021 sau khi phía Vân Nam phát hiện virus SARS-CoV-2 trên bao bì và thùng xe thanh long nhập khẩu từ Việt Nam.

Điều này khiến kim ngạch xuất nhập khẩu qua Lào Cai năm 2021 giảm mạnh, riêng lượng thanh long vốn dĩ là mặt hàng xuất khẩu chủ đạo qua đây giảm tới 40% so với năm trước.

Thống kê của Hải quan Việt Nam cho thấy, lượng thanh long xuất khẩu đi Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai chiếm gần 35% tổng lượng xuất khẩu thanh long của Việt Nam sang Trung Quốc qua các cửa khẩu đất liền và cảng biển năm 2020.

Tuy nhiên, phía Vân Nam cũng cho biết hiện nay năng lực bốc dỡ của Vân Nam tại cửa khẩu là rất hạn chế do nhiều công nhân về quê ăn Tết. Vì vậy, các cơ quan chức năng tỉnh Vân Nam đề nghị phía Việt Nam, ngoài việc bảo đảm tốt công tác phòng chống dịch đối với người và hàng hóa, vẫn cần chủ động điều tiết lượng hàng đưa lên cửa khẩu để tránh tình trạng ùn tắc như đã xảy ra tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Quảng Ninh.

Với phương châm “an toàn để xuất khẩu, xuất khẩu phải an toàn”, Bộ Công Thương khuyến nghị các địa phương vùng trồng, doanh nghiệp, các thương lái, lái xe đường dài tăng cường áp dụng các biện pháp nhằm bảo đảm quy trình sản xuất, bao gói, vận chuyển hàng hóa là tuyệt đối an toàn, theo đúng yêu cầu của công tác phòng chống dịch, từ đó giúp các bên liên quan mở và duy trì bền vững việc mở lại các cửa khẩu.

Bộ Công Thương cho biết, do dịch bệnh vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn cầu và trong khu vực, dự kiến quy trình thông quan tại tất cả các cửa khẩu sẽ còn tiếp tục được siết chặt, tiến độ thông quan sẽ không thể trở lại bình thường trong thời gian ngắn.

Do đó, Bộ Công Thương đề nghị UBND các địa phương vùng trồng và các doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động theo dõi sát tình hình để có biện pháp điều tiết sản xuất, thu hoạch, đặc biệt là điều tiết lượng hàng đưa lên biên giới phù hợp với năng lực thông quan, tránh để phát sinh tình trạng ùn tắc tại các cửa khẩu gây thiệt hại cho tất cả các bên.

Tìm đầu ra từ thị trường trong nước

Tại “Diễn đàn kết nối tiêu thụ thanh long” diễn ra ngày 6/1, ông Lê Thanh Tùng, Cục phó cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) cho biết, năm 2021 Việt Nam có khoảng 62.986 ha diện tích trồng thanh long với sản lượng sản lượng khoảng 1.318 ngàn tấn/năm.

Ba tỉnh sản xuất thanh long lớn nhất là: Bình Thuận với diện tích 33,5 nghìn ha, đạt sản lượng 694,5 nghìn tấn; Long An với 11,8 nghìn ha, sản lượng khoảng 316 nghìn tấn; Tiền Giang với 9,6 nghìn ha, sản lượng khoảng 241,4 nghìn tấn. Trong quý 1/2022, ước tổng sản lượng thanh long phía Nam đạt 239,5 nghìn tấn.

Trong bối cảnh việc xuất khẩu thanh long sang các thị trường, nhất là Trung Quốc gặp khó khăn, để góp phần giải quyết đầu ra cho trái thanh long, một số địa phương đã chủ động kêu gọi các địa phương khác trong cả nước hỗ trợ tiêu thụ thanh long.

Điển hình, ngày 11/1, Sở Công Thương tỉnh Long An có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố và các sở, ban ngành liên quan về việc hỗ trợ tiêu thụ thanh long nghịch vụ. Sở này cho biết từ nay đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, nông dân trồng thanh long xử lý xông đèn sẽ thu hoạch hơn 20.000 tấn, trong khi các kho chứa trên địa bàn tỉnh đang tồn 6.000 tấn chưa xuất khẩu được.

Trước đó, ngày 10/1, Bộ Công Thương có văn bản khẩn đề nghị Bộ NNPTNT chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh vùng trồng chỉ đạo các doanh nghiệp chế biến rau quả tăng cường thu mua lượng thanh long tươi đang tồn đọng tại các tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang… để chế biến thành sản phẩm tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ NNPTNT, các địa phương để triển khai các hoạt động kết nối cung cầu, đẩy mạnh việc thu mua, tiêu thụ trong nước đối với quả thanh long cũng như các mặt hàng trái cây khác đang vào vụ thu hoạch. Đặc biệt, sẽ giới thiệu, phân phối sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử.

Previous post Giải mã lý do vì sao giá Bitcoin tăng phi mã
Next post Tổng công ty Dược Việt Nam (DVN) chốt danh sách cổ đông tạm ứng cổ tức năm 2020