Philippines tranh cãi vì gạo biến đổi gen: Khi gạo vàng mang lại sự sợ hãi

Philippines đã trở thành quốc gia đầu tiên cho phép sản xuất thương mại loại gạo biến đổi gen, Gạo Vàng cung cấp vitamin A. Điều này làm dấy lên những lo ngại về an toàn, ngay cả khi chính phủ đang nỗ lực cố gắng chống suy dinh dưỡng và hỗ trợ nguồn cung cho một trong những quốc gia nhập khẩu nhiều ngũ cốc nhất thế giới.

Gạo Vàng được phát triển bởi Viện nghiên cứu Gạo Quốc tế (IRRI) có trụ sở tại Laguna, phía nam thủ đô Manila. Loại gạo này được nghiên cứu nhằm kiểm soát sự thiếu hụt vitamin A ở quốc gia đang phát triển này. Nó được đặt tên theo màu vàng của hạt gạo.

Việc trồng thử nghiệm Gạo Vàng đã bắt đầu ở Philippines từ năm 2013, dưới sự giám sát của Bộ Nông nghiệp và cơ quan trực thuộc là Viện Nghiên cứu Lúa Philippines (PhilRice). Khi được chính thức cấp phép sinh học vào cuối tháng 7, Bộ Nông nghiệp nói rằng Gạo Vàng là một bước ngoặt của dinh dưỡng quốc gia và kỳ vọng sẽ trồng ở một số tỉnh trong vụ mùa mưa năm 2022.

Theo IRRI, tại các cộng đồng nghèo nhất ở Philippines, cứ 5 trẻ thì có 1 em bị thiếu vitamin A. Vitamin A giúp cho da và mắt được khỏe mạnh, nên sự thiếu hụt có thể gây ra các vấn đề như thị lực kém. Tuy nhiên động thái này của Philippines tạo ra một làn sóng chỉ trích trong bối cảnh lo ngại toàn cầu đang ngày càng gia tăng về sự an toàn của các động thực vật biến đổi gen, hay còn gọi là GMO.

Bà Melanie Guavez, một nông dân trồng lúa ở Camarines Sur, vùng cực đông nam của Luzon, đồng thời là lãnh đạo liên minh chống GMO (SIKWAL-GMO), nói rằng: “Gạo Vàng sẽ đầu độc vùng đất của chúng tôi”. Tỉnh bà sinh sống là nơi trồng thử nghiệm vào năm 2013. Tháng 8 năm đó, Guavez và hàng trăm nông dân khác đã nhổ bỏ cây trồng để phản đối trước khi nhà chức trách đánh giá vụ thu hoạch.

“Chính phủ không thông báo cho bất kỳ ai trong chúng tôi về những tác động tiêu cực mà Gạo Vàng có thể gây ra đối với đất đai và sinh kế của chúng tôi,” bà Guavez nói.

Tiến sĩ Rey Ordonio, trưởng dự án Gạo Vàng tại PhilRice trả lời phỏng vấn của Nikkei Asia rằng: “Chúng tôi chỉ đơn giản là cung cấp Gạo Vàng như một giống lúa lai khác mà nông dân có thể chọn để trồng. Gạo Vàng được phát triển vì mục đích nhân đạo. Chúng tôi cố gắng phát triển nó như một giống lai như các giống lúa thông thường để đảm bảo rằng nó sẽ có giá cả phải chăng và dễ tiếp cận với nông dân cũng như người tiêu dùng”.

Tiến sĩ Ordonio đảm bảo với người tiêu dùng rằng Gạo Vàng hoàn toàn an toàn. Ông dựa trên một báo cáo năm 2016 của Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học Quốc gia Mỹ, đã khảo sát gần 900 nghiên cứu và những công bố được chứng nhận rằng cây trồng biến đổi gen không nguy hiểm.

Được sản xuất để tăng nguồn cung, gạo vàng lại làm dấy lên những cuộc tranh tranh cãi, nông dân kêu than vùng đất của họ sẽ bị “đầu độc” - Ảnh 1.

Previous post Ai mua căn hộ tái định cư TP HCM bán đấu giá trung bình khoảng 2,6 tỷ đồng?
Next post Bất chấp ITA tăng 57% trong vòng hơn 1 tháng, Đại học Tân Tạo vẫn đăng ký mua thêm 20 triệu cổ phiếu