Nhu cầu vốn của doanh nghiệp tăng mạnh

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục giảm so với cuối năm ngoái. Các NH thương mại được yêu cầu tiếp tục kiểm soát chặt tín dụng chảy vào những lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán…, dồn vốn cho sản xuất – kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.

Tín dụng tăng cao

Số liệu của NHNN cho thấy đến ngày 16-4, tín dụng nền kinh tế tăng 3,34% so với cuối năm ngoái. Con số này thể hiện nhu cầu vốn đang tăng mạnh mẽ gần đây. Bởi trước đó, thống kê trong quý I/2020, tín dụng của nền kinh tế mới tăng ở mức 1,47%, huy động vốn cũng tăng yếu hơn ở mức 0,54%.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN phụ trách Chi nhánh TP HCM, nhìn nhận huy động vốn trên địa bàn TP trong quý đầu năm chỉ tăng 0,7% trong khi dư nợ tín dụng tăng tới 3,5% so với cuối năm ngoái.

Lãnh đạo nhiều NH thương mại cho biết nhu cầu vốn từ các doanh nghiệp (DN) và thị trường đang tăng trở lại khi nền kinh tế hồi phục sau giai đoạn ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Phó tổng giám đốc một công ty nhựa cho hay DN đang được vay vốn lưu động với lãi suất gần như thấp nhất ngành, khoảng 5,4%/năm. Nhu cầu vốn lưu động của DN này mỗi năm khoảng 700 tỉ đồng nên thường xuyên có quan hệ với khoảng 2-3 NH thương mại.

“Hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi khá mạnh so với năm ngoái nên nhu cầu vốn của công ty là khá lớn. DN chúng tôi cũng được xếp vào dạng tín nhiệm cao nên được NH ưu tiên cho vay” – vị phó tổng giám đốc DN này nói.

Nhiều DN khác cũng tấp nập liên hệ tới các chi nhánh, phòng giao dịch của NH thương mại hỏi vay vốn. Chia sẻ tại đại hội cổ đông thường niên năm 2021 mới đây, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng Giám đốc NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), cho biết đến giữa tháng 4-2021, huy động vốn của NH chỉ tăng trên 3,5% trong khi cho vay tăng tới 5,8%.

Trước đó, tổng giám đốc Sacombank cũng cho rằng rất nhiều khách hàng cá nhân và DN liên hệ đến các chi nhánh của NH vay vốn. Nhưng do chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của NH năm nay chỉ khoảng 9% nên ban lãnh đạo phải tính toán lại chỉ tiêu cho từng đơn vị để cân đối phù hợp. Dòng vốn cũng được Sacombank xác định tập trung vào lĩnh vực sản xuất – kinh doanh, hạn chế chảy vào bất động sản để kinh doanh, lướt sóng…

Dựa trên cơ sở mức tăng trưởng tín dụng cho phép của NHNN và diễn biến tình hình kinh doanh trong năm 2021, HĐQT Sacombank sẽ điều chỉnh lại mục tiêu tăng trưởng huy động và cho vay phù hợp.

Tại NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT, cho biết đến hết quý I/2021, dư nợ tín dụng của NH tăng 3,7% trong khi toàn hệ thống tăng 2,93%. Vietcombank đã giữ vị trí số 1 về tăng trưởng quy mô tín dụng trong năm ngoái và tiếp tục có quy mô tăng trưởng theo con số tuyệt đối lớn nhất toàn hệ thống.

Nhu cầu vốn của doanh nghiệp tăng mạnh - Ảnh 1.

Previous post Kỳ vọng gì vào cổ phiếu năm Nhâm Dần?
Next post Thanh khoản dồi dào, giao dịch và lãi suất liên ngân hàng đều giảm